Sở Xây dựng Đắk Lắk nhận định, sau chuỗi sự kiện trong tháng Ba, đánh dấu kỷ niệm 50 năm giải phóng, một loạt vấn đề đã được đặt ra với TP. Buôn Ma Thuột, từ góc cạnh thành công phát triển kinh tế nông nghiệp, trực tiếp đại diện là ngành hàng cà phê, đến yêu cầu phát triển đô thị phù hợp vai trò cửa ngõ kết nối kinh tế vùng từ núi xuống biển.
Theo đó, diện tích nhà ở đô thị, mật độ dân cư Buôn Ma Thuột… cần được nghiên cứu rà soát.
Tầm nhìn đô thị vùng
Có một thực tế mà các kiến trúc sư địa phương lẫn quốc gia vẫn nêu ra khi bàn đến công tác quy hoạch phát triển không gian đô thị Buôn Ma Thuột là thủ phủ kinh tế cao nguyên này phải được đầu tư phù hợp tầm nhìn đô thị vùng, chứ không đơn giản gói gọn trong phạm vi tỉnh Đắk Lắk. Nhiều nghiên cứu và đề xuất qua các hội thảo quy hoạch vùng Tây Nguyên trước đây đã đề cập, so sánh các thành phố địa phương và đều nhận định Buôn Ma Thuột với nhiều lợi thế giao thông kết nối, nằm trong vùng địa hình đầu tư nông nghiệp lớn… hội tụ những yếu tố đại diện cho toàn vùng.
Khi câu chuyện “vẽ lại bản đồ các tỉnh thành” chính thức được thực thi, vượt khỏi tư duy hệ thống quản lý cũ, các tỉnh thành sẽ được sáp nhập, mở rộng không gian phát triển và sẽ tiếp tục được hoàn thiện đến phân cấp vùng địa hạt. Những quan niệm cũ, phân biệt các tỉnh thành qua địa giới hành chính sẽ dần lạc hậu, để thay thế bằng tầm nhìn quy hoạch phát triển các vùng tăng trưởng.
![]() |
Khu đô thị Eco City Premia (TP. Buôn Ma Thuột) nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Gia |
Theo đó, khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đang được kết hợp lại, trở thành những khoảnh vùng kinh tế lớn, có dư địa phát triển mạnh mẽ và kết nối được nhiều hướng tăng trưởng. Tính từ chân đèo Hải Vân đến đèo Cả, bao quát lên một nửa diện tích Tây Nguyên, các nhà quy hoạch có thể hình dung được một vùng khai phá rộng lớn, đa địa hình, đa nguồn lực tiềm năng, nếu được thống nhất quản trị xã hội sẽ tạo nên sức mạnh phát triển rất to lớn. Có thể hình dung được một cụm đô thị hiện đại, chú trọng thương mại và tài chính hình thành ở Bắc vùng và một vùng đô thị – nông thôn mới, chú trọng công nghiệp nông nghiệp và logistics ở Nam vùng, còn ở giữa sẽ định hình các thế mạnh chiến lược về công nghiệp luyện kim, sản xuất hàng hóa công nghiệp nặng và tiêu dùng…
Theo đó, Buôn Ma Thuột sẽ nằm trong chuỗi các đô thị tăng trưởng “nóng”, trải từ Đà Nẵng vào Phú Yên, liên kết các điểm đô thị hiện đại mới ở tương lai như Vạn Tường (Quảng Ngãi), Thăng Bình (Quảng Nam) tạo nên những “cực đô thị” có sức hút mãnh liệt về đầu tư. Một chuyên gia tư vấn đô thị ở TP. Đà Nẵng nhìn nhận, nếu Đà Nẵng thành nơi tụ hội trí tuệ thương mại, tài chính, công nghệ số thì những đô thị sẽ tăng tốc sắp đến như Quảng Ngãi sẽ gắn với luyện kim và Buôn Ma Thuột với vị thế của tâm điểm công nghiệp nông nghiệp xanh. Không chỉ còn là đô thị thủ phủ cao nguyên, đô thị này sẽ hướng đến tầm liên kết vận tải hàng hóa xuôi Nam ngược Bắc và phải chăng sẽ có một nền tảng đô thị mới, “một trung tâm phát triển công nghiệp xanh” hình thành ngay tại đây.
Cơ hội đô thị hóa
Nhìn vào hiện trạng đầu tư hạ tầng đô thị của Buôn Ma Thuột, nhiều nhà chuyên môn quy hoạch cho rằng có những hạn chế nhất định về chỉ giới đầu tư giao thông cục bộ và xung đột giữa phát triển diện tích nhà ở – đô thị hóa với vành đai xanh tự nhiên của địa phương. Tuy nhiên, vướng mắc đó sẽ nhanh chóng phải tháo gỡ, khi Buôn Ma Thuột nâng tầm đô thị về hướng phát triển thành cực đầu tư kinh tế nông nghiệp xanh, kết nối logistics trong mạng lưới giao thông Bắc – Nam. Các nhà đầu tư, chuyên môn chế biến sâu về các sản phẩm nông nghiệp, dược phẩm, giảm thải carbon… thu hút về đô thị này sẽ đòi hỏi một lượng diện tích đô thị mới tăng lên, lượng nhà ở cho người lao động gắn với các khu cụm dân cư mới, hiện đại nhưng hài hòa với năng lượng sống xanh sẽ vượt trội.
Theo đó, tầm vóc đô thị Buôn Ma Thuột sẽ không chỉ còn gói gọn với 1 triệu dân trong phép tính cũ, mà phải tăng lên nhiều hơn. Các đô thị liền kề cũng sẽ tăng tốc đô thị hóa trong thời gian tới. Tất cả đòi hỏi phải có ngay những tính toán, liệu định mới, đón đầu cơ hội và khai phá tiềm năng cho địa phương. Đặc biệt về mặt giao thông, các tuyến đường mở của Buôn Ma Thuột về cả năm hướng không gian, đặc biệt kết nối về phía biển qua Quốc lộ 29, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột… sẽ tạo nên những khu vực đô thị hóa có quy mô lớn. Trung tâm đô thị Buôn Ma Thuột sẽ rất nhanh trở nên chật chội và cần bổ sung các đô thị vành đai.
Cho đến nay, Buôn Ma Thuột đang rất thành công với định hướng mở rộng các cụm đô thị mới ở khu vực phía Bắc đường vành đai phía Tây và liên kết phát triển dư địa vùng quy hoạch sân bay. Việc kiểm soát chặt các diện tích đất phục vụ nông nghiệp của địa phương đang cho thấy các nguồn lực đô thị hóa nằm trong vùng kiểm soát tốt. Đắk Lắk cũng đang rất chú ý đến cơ hội hình thành những khu công nghiệp mới, gắn với công nghệ cao và năng lực số hóa trong quản lý đầu tư. Như thế, những vùng canh tác chuyên canh nông nghiệp chất lượng, vùng sản xuất chế biến nông sản đặc thù sẽ gia tăng, cho phép các vệt đô thị mới, cư dân hiện đại hơn được định hình.
Như vậy, Buôn Ma Thuột sẽ cần chú ý nhiều hơn đến việc khẳng định giá trị đầu tư các khu đô thị mới đang thành hình, tập trung nhấn mạnh những ưu điểm vượt trội để thu hút hiệu quả hơn vai trò tham gia của các nhà đầu tư. Trong xu thế vận động chuyển biến đang diễn ra, nhìn thẳng vào thực tại cơ hội này, Buôn Ma Thuột càng hội tụ thêm nhiều yếu tố thuyết phục để phát triển, thật sự là một cực đầu tư tăng trưởng kinh tế quốc gia!